Trình độ văn hóa là gì? Trình độ văn hóa có khác trình độ học vấn?
Hiện hành, chưa có văn bản giải thích như thế nào là trình độ văn hóa.
Tuy nhiên, có thể hiểu trình độ văn hóa thông qua một số quy định dưới đây:
Trước tiên tại khoản 2 Điều 6 Luật Giáo dục 2019 có đề cập đến các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
– Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
– Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;
– Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;
– Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Tại hướng dẫn khai Sơ yếu lý lịch viên chức theo mẫu HS02-VC/BNV ban hành kèm theo Thông tư 07/2019/TT-BNV có đề cập về việc khai trình độ giáo dục phổ thông như sau:
Trình độ giáo dục phổ thông: ghi đã tốt nghiệp lớp mấy, thuộc hệ đào tạo phổ thông nào.
Ví dụ: Lớp 10/10 (đối với những người tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm); Lớp 12/12 (đối với những người tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm).
Trình độ giáo dục phổ thông ở đây chính là trình độ văn hóa mà chúng ta đang muốn tìm hiểu.
Như vậy, trình độ văn hóa được dùng để chỉ cấp độ học tập theo các bậc học phổ thông (thường được được thể hiện trong mẫu Sơ yếu lý lịch, bìa hồ sơ xin việc)
Ngoài trình độ văn hóa thì còn có thêm thuật ngữ khá quen thuộc là trình độ học vấn và trình độ chuyên môn.
Trong đó, trình độ học vấn thường bao hàm cả trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn.
Về trình độ chuyên môn: thường được hiểu là trình độ chuyên môn cao nhất được đào tạo, bồi dưỡng tại thời điểm kê khai như: Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ, Thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp… thuộc chuyên ngành đào tạo nào.
Ví dụ: đối với những người có nhiều văn bằng đào tạo như: có bằng kỹ sư, có bằng cử nhân, có bằng thạc sĩ, có bằng tiến sĩ thì chỉ kê khai trình độ chuyên môn cao nhất hiện tại là: Tiến sĩ + chuyên ngành đào tạo.
Hướng dẫn khai trình độ văn hóa trong một số trường hợp
2.1. Tốt nghiệp đại học thì ghi trình độ văn hóa thế nào?
Như đã đề cập ở trên, trình độ văn hóa dùng để chỉ cấp độ học tập theo các bậc học phổ thông.
Vì vậy, người đã tốt nghiệp đại học thì cũng chỉ có thể ghi trình độ văn hóa là 12/12, còn trình độ đại học có thể ghi ở phần “trình độ chuyên môn”.
2.2. Khai trình độ văn hóa trong Sơ yếu lý lịch viên chức
Tại hướng dẫn khai Sơ yếu lý lịch viên chức theo mẫu HS02-VC/BNV ban hành kèm theo Thông tư 07/2019/TT-BNV có đề cập về việc khai trình độ giáo dục phổ thông như sau:
Trình độ giáo dục phổ thông: ghi đã tốt nghiệp lớp mấy, thuộc hệ đào tạo phổ thông nào.
Ví dụ: Lớp 10/10 (đối với những người tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm); Lớp 12/12 (đối với những người tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm).
(Bắt đầu từ năm 1981, hệ thống giáo dục được chuyển từ hệ 10 năm sang hệ 12 năm – Quyết định 135/CP).
2.3. Khai trình độ văn hóa trong Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức
Theo mẫu Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức (kèm theo Quyết định 02/2008/QĐ-BNV) ghi trình độ giáo dục phổ thông như sau:
Đã tốt nghiệp lớp mấy/thuộc hệ nào (Ví dụ: Lớp 11/12 đối với người đã học đến hết lớp 11 hệ 12 năm).