Tổng hợp mẫu biểu hồ sơ kiểm toán tổ chức tài chính, ngân hàng mới nhất
Theo Mục lục ban hành kèm theo Quyết định 01/2023/QĐ-KTNN năm 2023, có 04 mẫu biểu hồ sơ kiểm toán tổ chức tài chính, ngân hàng, cụ thể như sau:
– 01/KHKT-TCNH: Kế hoạch kiểm toán… (Áp dụng cho cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của các tổ chức tài chính, ngân hàng)
– 01/BBKT-TCNH: Biên bản kiểm toán (Áp dụng cho Tổ kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của các tổ chức tài chính, ngân hàng)
– 01/BCKT-TCNH: Báo cáo kiểm toán… (Áp dụng cho cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của các tổ chức tài chính, ngân hàng)
– 01/BCKT-BHXH: Báo cáo kiểm toán… (Áp dụng cho cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Bảo hiểm xã hội Việt Nam)
Quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán
2.1. Quyền của đơn vị được kiểm toán
Cụ thể tại Điều 56 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (sửa đổi 2019), các đơn vị được kiểm toán có các quyền sau đây:
– Yêu cầu Đoàn kiểm toán xuất trình quyết định kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước xuất trình thẻ Kiểm toán viên nhà nước.
– Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm toán; đề nghị thay thế thành viên Đoàn kiểm toán khi có bằng chứng cho rằng thành viên đó không trung thực, khách quan trong khi làm nhiệm vụ hoặc thuộc trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán theo quy định tại Điều 28 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (sửa đổi 2019).
– Giải trình bằng văn bản về những vấn đề được nêu trong dự thảo báo cáo kiểm toán nếu xét thấy chưa phù hợp.
– Khiếu nại về hành vi của thành viên Đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
– Khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán khi có căn cứ cho rằng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
– Khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước theo quy định Luật Tố tụng hành chính 2015.
– Yêu cầu Kiểm toán nhà nước bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2.2. Nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán
Các đơn vị được kiểm toán có các nghĩa vụ như sau:
– Chấp hành quyết định kiểm toán.
– Lập và gửi đầy đủ, kịp thời báo cáo tài chính, báo cáo tình hình thực hiện, quyết toán vốn, quản lý dự án đầu tư; kế hoạch thu, chi; báo cáo tình hình chấp hành và quyết toán ngân sách cho Kiểm toán nhà nước theo yêu cầu.
– Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
– Trả lời và giải trình đầy đủ, kịp thời các vấn đề do Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước yêu cầu liên quan đến nội dung kiểm toán.
– Ký biên bản kiểm toán.
– Thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện kết luận, kiến nghị đó cho Kiểm toán nhà nước.
(Điều 57 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (sửa đổi 2019))