Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường
Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường theo khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 28 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:
(1) Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào vận hành thử nghiệm, bao gồm:
– Thông tin chung về dự án đầu tư: tên dự án, chủ dự án; địa điểm thực hiện dự án; cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp các loại giấy phép có liên quan đến môi trường, phê duyệt dự án; quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; văn bản thay đổi (nếu có); quá trình thực hiện dự án; quy mô (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công), công suất, công nghệ, sản phẩm sản xuất, lượng điện, nguồn và lượng nước sử dụng, nguồn tiếp nhận nước thải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, hóa chất sử dụng và các thông tin khác có liên quan đến dự án;
– Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có);
– Kết quả hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường (công trình được bàn giao, nghiệm thu giữa chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị giám sát thi công theo quy định của pháp luật về xây dựng): các công trình, thiết bị thu gom, xử lý nước thải, bụi, khí thải; công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại; công trình, biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung; công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và công trình bảo vệ môi trường khác.
Các thông tin chính gồm: quy mô, công suất, quy trình vận hành; hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng để xử lý nước thải; hóa chất, chất xúc tác sử dụng để xử lý bụi, khí thải; các hệ thống thiết bị xử lý chất thải đồng bộ, hợp khối, thiết bị quan trắc tự động, liên tục (đối với trường hợp phải lắp đặt) và thiết bị xử lý khác (kèm theo CO/CQ của thiết bị); các thông số kỹ thuật cơ bản; tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng.
Đối với dự án đầu tư xử lý chất thải rắn tập trung, chất thải nguy hại phải nêu rõ các công trình, thiết bị, phương tiện thu gom và xử lý chất thải.
Đối với dự án đầu tư có sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải nêu rõ công nghệ sản xuất; điều kiện kho, bãi lưu giữ; hệ thống thiết bị tái chế; phương án xử lý tạp chất; phương án tái xuất phế liệu phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đối với dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi phải nêu rõ việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với công trình thủy lợi;
– Kế hoạch, tiến độ, kết quả thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường, phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có);
– Đề xuất nội dung thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có) kèm theo đánh giá tác động đến môi trường từ việc thay đổi này;
– Nội dung đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020:
+ Nguồn phát sinh nước thải; lưu lượng xả nước thải tối đa; dòng nước thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng nước thải; vị trí, phương thức xả nước thải và nguồn tiếp nhận nước thải;
+ Nguồn phát sinh khí thải; lưu lượng xả khí thải tối đa; dòng khí thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng khí thải; vị trí, phương thức xả khí thải;
+ Nguồn phát sinh và giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung;
+ Công trình, hệ thống thiết bị xử lý chất thải nguy hại; mã chất thải nguy hại và khối lượng được phép xử lý, số lượng trạm trung chuyển chất thải nguy hại, địa bàn hoạt động đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;
+ Loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
– Kế hoạch, thời gian dự kiến thực hiện vận hành thử nghiệm, kèm theo kế hoạch quan trắc chất thải để đánh giá hiệu quả của công trình xử lý chất thải (lấy mẫu tổ hợp và mẫu đơn); trường hợp công trình, thiết bị xử lý hợp khối hoặc công trình xử lý chất thải thuộc dự án có công suất nhỏ theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP chỉ thực hiện lấy mẫu đơn để quan trắc; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm và khi dự án đi vào vận hành;
– Đề xuất nội dung thực hiện quan trắc chất thải (tự động, liên tục và định kỳ) theo quy định của pháp luật và các nội dung về bảo vệ môi trường khác (nếu có).
(2) Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư nhóm II không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:
– Thông tin chung về dự án đầu tư: tên dự án, chủ dự án; địa điểm thực hiện dự án; cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp các loại giấy phép có liên quan đến môi trường, phê duyệt dự án; quy mô (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công), công suất, công nghệ, sản phẩm sản xuất, lượng điện, nguồn và lượng nước sử dụng, nguồn tiếp nhận nước thải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, hóa chất sử dụng và các thông tin khác có liên quan đến dự án;
– Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có);
– Đánh giá hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư (trừ dự án đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không phải thực hiện); đánh giá việc lựa chọn công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải và các công trình bảo vệ môi trường khác; đánh giá, dự báo tác động của các nguồn thải, tiếng ồn, độ rung; đánh giá, dự báo tác động của dự án tới đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, dòng chảy, sạt lở, bồi lắng, xâm nhập mặn và xã hội (nếu có);
– Đề xuất kế hoạch, các biện pháp xử lý chất thải kèm theo thuyết minh và phương án thiết kế xây dựng (thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với dự án chỉ yêu cầu thiết kế một bước) của các công trình bảo vệ môi trường, hạng mục công trình xử lý chất thải, các hệ thống thiết bị xử lý chất thải đồng bộ, hợp khối, thiết bị quan trắc tự động, liên tục (đối với trường hợp phải lắp đặt) và thiết bị xử lý khác (kèm theo CO/CQ, nếu có), phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, các công trình lưu giữ chất thải và công trình, thiết bị liên quan; kế hoạch xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì, quản lý hạng mục xả thải và công trình xử lý chất thải, kèm theo dự toán kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;
– Các nội dung bảo vệ môi trường đặc thù: Đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, chôn lấp chất thải, trong báo cáo đề xuất phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Đối với dự án đầu tư khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa và vùng cửa sông, ven biển, trong báo cáo đề xuất phải có nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, dòng chảy theo quy định của pháp luật. Đối với dự án đầu tư gây tổn thất, suy giảm đa dạng sinh học, trong báo cáo đề xuất phải có phương án bồi hoàn đa dạng sinh học. Đối với dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, trong báo cáo đề xuất phải có đánh giá tác động và biện pháp bảo vệ môi trường đối với nguồn nước công trình thủy lợi;
– Nội dung đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020;
– Kế hoạch, thời gian dự kiến thực hiện vận hành thử nghiệm, kèm theo kế hoạch quan trắc chất thải để đánh giá hiệu quả của công trình xử lý chất thải (lấy mẫu tổ hợp và mẫu đơn); trường hợp công trình, thiết bị xử lý hợp khối hoặc công trình xử lý chất thải thuộc dự án có công suất nhỏ theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP chỉ thực hiện lấy mẫu đơn để quan trắc; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm và khi dự án đi vào vận hành;
– Đề xuất nội dung thực hiện quan trắc chất thải (tự động, liên tục và định kỳ) theo quy định của pháp luật và nội dung về bảo vệ môi trường khác (nếu có).
(3) Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm I hoặc nhóm II bao gồm:
– Thông tin chung về cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp: tên, địa chỉ, địa điểm thực hiện; văn bản thẩm định thiết kế xây dựng, các loại giấy phép có liên quan đến môi trường, phê duyệt dự án; quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 171 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và giấy phép môi trường thành phần (nếu có); quy mô (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công), công suất, công nghệ, sản phẩm sản xuất, lượng điện, nguồn và lượng nước sử dụng, nguồn tiếp nhận nước thải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, hóa chất sử dụng và các thông tin khác có liên quan đến cơ sở.
Đối với cơ sở có sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải nêu rõ công nghệ sản xuất, điều kiện kho, bãi lưu giữ, hệ thống thiết bị tái chế, phương án xử lý tạp chất và phương án tái xuất phế liệu không đáp ứng quy chuẩn phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 171 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (bao gồm cả hồ sơ kèm theo văn bản tương đương);
– Sự phù hợp của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có);
– Các nguồn chất thải phát sinh, bao gồm: quy mô, khối lượng, chủng loại chất thải rắn; quy mô, lưu lượng, thông số ô nhiễm bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung; quy mô, lưu lượng, thông số ô nhiễm nước thải, nguồn tiếp nhận nước thải; công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đã hoàn thành như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Nghị định 08/2022/NĐ-CP;
– Kế hoạch, tiến độ, kết quả thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường, phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có);
– Nội dung đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020;
– Kết quả quan trắc môi trường trong 02 năm trước liền kề đối với trường hợp phải thực hiện quan trắc chất thải theo quy định hoặc kết quả quan trắc mẫu chất thải bổ sung theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp đã có giấy phép môi trường thành phần không phải thực hiện quan trắc chất thải theo quy định;
– Kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gần nhất, kèm theo các quyết định, kết luận (nếu có);
– Đề xuất nội dung thực hiện quan trắc chất thải (tự động, liên tục và định kỳ) theo quy định của pháp luật và nội dung về bảo vệ môi trường khác (nếu có).
(4) Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án nhóm III bao gồm:
– Thông tin chung về dự án đầu tư: tên dự án, chủ dự án; địa điểm thực hiện dự án; quy mô (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công), công suất, công nghệ, sản phẩm sản xuất, lượng điện, nguồn và lượng nước sử dụng, nguồn tiếp nhận nước thải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, hóa chất sử dụng và các thông tin khác có liên quan đến dự án;
– Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có);
– Mô tả hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư (trừ dự án đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không phải thực hiện); mô tả công nghệ sản xuất được đề xuất lựa chọn;
– Đề xuất kế hoạch, các biện pháp xử lý chất thải kèm theo thuyết minh và phương án thiết kế xây dựng (thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với dự án chỉ yêu cầu thiết kế một bước) của các công trình bảo vệ môi trường, hạng mục công trình xử lý chất thải, các hệ thống thiết bị xử lý chất thải đồng bộ, hợp khối, thiết bị quan trắc tự động, liên tục (đối với trường hợp phải lắp đặt) và thiết bị xử lý khác (kèm theo CO/CQ, nếu có), phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, các công trình lưu giữ chất thải và công trình, thiết bị liên quan; kế hoạch xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì, quản lý hạng mục xả thải và công trình xử lý chất thải; biện pháp bảo vệ môi trường đối với nguồn nước công trình thủy lợi đối với dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi;
– Nội dung đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020;
– Kế hoạch, thời gian dự kiến thực hiện vận hành thử nghiệm, kèm theo kế hoạch quan trắc chất thải để đánh giá hiệu quả của công trình xử lý chất thải theo quy định; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; đề xuất nội dung thực hiện quan trắc chất thải theo quy định của pháp luật.
(5) Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm III bao gồm:
– Thông tin chung về cơ sở: tên, địa chỉ, địa điểm thực hiện; các hồ sơ về môi trường liên quan; quy mô (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công), công suất, công nghệ, sản phẩm sản xuất, lượng điện, nguồn và lượng nước sử dụng, nguồn tiếp nhận nước thải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, hóa chất sử dụng và các thông tin khác có liên quan đến cơ sở;
– Sự phù hợp của cơ sở với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có);
– Các nguồn chất thải phát sinh, bao gồm: quy mô, khối lượng, chủng loại chất thải rắn; quy mô, lưu lượng, thông số ô nhiễm bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung; quy mô, lưu lượng, thông số ô nhiễm nước thải, nguồn tiếp nhận nước thải; công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đã hoàn thành như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Nghị định 08/2022/NĐ-CP;
– Nội dung đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020;
– Kết quả quan trắc môi trường trong 01 năm trước liền kề đối với trường hợp phải thực hiện quan trắc chất thải theo quy định hoặc kết quả quan trắc mẫu chất thải bổ sung theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp đã có giấy phép môi trường thành phần nhưng không phải thực hiện quan trắc chất thải theo quy định; kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gần nhất, kèm theo các quyết định, kết luận (nếu có);
– Đề xuất nội dung thực hiện quan trắc chất thải theo quy định của pháp luật.
Tổng hợp mẫu báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường mới nhất
Theo khoản 6 Điều 28 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì mẫu báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với từng đối tượng quy định tại (1), (2), (3), (4) và (5) mục 1 được quy định tương ứng tại các Phụ lục VIII, IX, X, XI và XII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP:
– Mẫu báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào vận hành thử nghiệm với đối tượng tại (1) mục 1 theo mẫu tại Phụ lục VIII:
– Mẫu báo cáo đề xuất cấp, cấp lại giấy phép môi trường của dự án đầu tư nhóm II không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường với đối tượng tại (2) mục 1 theo mẫu tại Phụ lục IX:
– Mẫu báo cáo đề xuất cấp, cấp lại giấy phép môi trường của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm I hoặc nhóm II với đối tượng tại (3) mục 1 theo mẫu tại Phụ lục X:
– Mẫu báo cáo đề xuất cấp, cấp lại giấy phép môi trường của dự án đầu tư nhóm III với đối tượng tại (4) mục 1 theo mẫu tại Phụ lục XI:
– Mẫu báo cáo đề xuất cấp, cấp lại giấy phép môi trường của cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm III với đối tượng tại (5) mục 1 theo mẫu tại Phụ lục XII: