Mẫu sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN của doanh nghiệp siêu nhỏ
Mẫu sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN (áp dụng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ) là Mẫu số S4-DNSN ban hành kèm theo Thông tư 132/2018/TT-BTC.
Cách ghi sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN của doanh nghiệp siêu nhỏ
* Doanh nghiệp siêu nhỏ phải mở sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước để theo dõi các khoản mà doanh nghiệp phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào ngân sách nhà nước trong đó mỗi loại thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân,…) phải được theo dõi chi tiết riêng.
* Thông tin, số liệu trên sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN làm căn cứ để cơ quan thuế xác định doanh nghiệp có nộp đúng, nộp đủ và kịp thời các khoản thuế vào NSNN theo quy định của pháp luật thuế hay không.
* Căn cứ và phương pháp ghi chép Sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN:
– Phần dòng số dư đầu kỳ: Lấy số liệu dòng số dư cuối kỳ trên sổ này kỳ trước.
– Phần dòng số phát sinh trong kỳ:
+ Cột A, B: Ghi số hiệu, ngày tháng của các chứng từ kế toán được sử dụng để ghi chép vào sổ kế toán. Các chứng từ kế toán có thể là các tờ khai thuế, giấy nộp tiền thuế vào NSNN kèm theo Phiếu chi tiền mặt hoặc giấy báo Nợ của ngân hàng,….
+ Cột C: Ghi nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh để phục vụ cho việc rà soát, kiểm tra, đối chiếu các thông tin về các khoản phải nộp, đã nộp và còn phải nộp NSNN về các khoản thuế khi cần thiết.
+ Cột 1: Phản ánh số thuế mà doanh nghiệp siêu nhỏ phải nộp NSNN theo quy định của pháp luật thuế. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này tùy thuộc vào sắc thuế mà doanh nghiệp siêu nhỏ phải nộp nhà nước và tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của từng hoạt động theo quy định của pháp luật thuế.
+ Cột 2: Phản ánh số thuế mà doanh nghiệp đã nộp vào NSNN. Căn cứ để ghi vào chỉ tiêu này là giấy nộp tiền thuế vào NSNN cho từng sắc thuế kèm theo Phiếu chi tiền mặt hoặc giấy báo Nợ của ngân hàng.
– Phần dòng số dư cuồi kỳ: Căn cứ vào số dư đầu kỳ + Số thuế phải nộp phát sinh trong kỳ – Số thuế đã nộp trong kỳ.
Nội dung bắt buộc phải có trong sổ kế toán
– Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán.
– Sổ kế toán phải ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ; ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; số trang; đóng dấu giáp lai.
– Sổ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Ngày, tháng, năm ghi sổ;
+ Số hiệu và ngày, tháng, năm của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ;
+ Tóm tắt nội dung của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
+ Số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh ghi vào các tài khoản kế toán;
+ Số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.
– Sổ kế toán gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.
(Điều 24 Luật Kế toán 2015)