Mẫu sổ tài sản cố định theo Thông tư 200
Mẫu sổ tài sản cố định là mẫu S21-DN được quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC.
Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.
Cách ghi sổ tài sản cố định theo Thông tư 200
* Mục đích sổ tài sản cố định theo Thông tư 200:
Sổ tài sản cố định dùng để đăng ký, theo dõi và quản lý chặt chẽ tài sản trong đơn vị từ khi mua sắm, đưa vào sử dụng đến khi ghi giảm tài sản cố định.
* Căn cứ và cách ghi sổ tài sản cố định theo Thông tư 200:
Mỗi một sổ hoặc một số trang sổ được mở theo dõi cho một loại TSCĐ (nhà cửa, máy móc thiết bị…). Căn cứ vào chứng từ tăng, giảm TSCĐ để ghi vào sổ TSCĐ:
– Cột A: Ghi số thứ tự
– Cột B, C: Ghi số hiệu, ngày, tháng của chứng từ dùng để ghi sổ
– Cột D: Ghi tên, đặc điểm, ký hiệu của TSCĐ
– Cột E: Ghi tên nước sản xuất TSCĐ
– Cột G: Ghi tháng, năm đưa TSCĐ vào sử dụng
– Cột H: Ghi số hiệu TSCĐ
– Cột 1: Ghi nguyên giá TSCĐ
– Cột 2: Ghi tỷ lệ khấu hao một năm
– Cột 3: Ghi số tiền khấu hao một năm
– Cột 4: Ghi số khấu hao TSCĐ tính đến thời điểm ghi giảm TSCĐ
– Cột I, K: Ghi số hiệu, ngày, tháng, năm của chứng từ ghi giảm TSCĐ
– Cột L: Ghi lý do giảm TSCĐ (nhượng bán, thanh lý…).
Đăng ký sửa đổi Chế độ kế toán đối với sổ kế toán
Tất cả các biểu mẫu sổ kế toán (kể cả các loại Sổ Cái, sổ Nhật ký) đều thuộc loại không bắt buộc. Doanh nghiệp có thể áp dụng biểu mẫu sổ theo hướng dẫn tại phụ lục số 4 Thông tư 200/2014/TT-BTC hoặc bổ sung, sửa đổi biểu mẫu sổ, thẻ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý nhưng phải đảm bảo trình bày thông tin đầy đủ, rõ ràng, dễ kiểm tra, kiểm soát.
(Điểm b khoản 3 Điều 9 Thông tư 200/2014/TT-BTC)
Mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán
– Sổ kế toán phải mở vào đầu kỳ kế toán năm; đối với đơn vị kế toán mới thành lập, sổ kế toán phải mở từ ngày thành lập.
– Đơn vị kế toán phải căn cứ vào chứng từ kế toán để ghi sổ kế toán.
– Sổ kế toán phải được ghi kịp thời, rõ ràng, đầy đủ theo các nội dung của sổ. Thông tin, số liệu ghi vào sổ kế toán phải chính xác, trung thực, đúng với chứng từ kế toán.
– Việc ghi sổ kế toán phải theo trình tự thời gian phát sinh của nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm sau phải kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm trước liền kề. Sổ kế toán phải được ghi liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ.
– Thông tin, số liệu trên sổ kế toán phải được ghi bằng bút mực; không ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới; không ghi chồng lên nhau; không ghi cách dòng; trường hợp ghi không hết trang phải gạch chéo phần không ghi; khi ghi hết trang phải cộng số liệu tổng cộng của trang và chuyển số liệu tổng cộng sang trang kế tiếp.
– Đơn vị kế toán phải khóa sổ kế toán vào cuối kỳ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính và trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
– Đơn vị kế toán được ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử. Trường hợp ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử thì phải thực hiện các quy định về sổ kế toán tại Điều 24, Điều 25 và các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 26 Luật Kế toán 2015, trừ việc đóng dấu giáp lai. Sau khi khóa sổ kế toán trên phương tiện điện tử phải in sổ kế toán ra giấy và đóng thành quyển riêng cho từng kỳ kế toán năm để đưa vào lưu trữ. Trường hợp không in ra giấy mà thực hiện lưu trữ sổ kế toán trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.
(Điều 26 Luật Kế toán 2015)