Mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt từ 01/01/2023
Mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt từ 01/01/2023 được quy định tại Thông tư 19/2014/TT-BCT.
Sửa đổi quy định về hợp đồng mua bán điện sinh hoạt khi bỏ sổ hộ khẩu giấy
Ngày 30/12/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư 38/2022/TT-BCT bãi bỏ khoản 1 Điều 2 Thông tư 19/2014/TT-BCT về mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt. Theo đó, sửa đổi quy định về hợp đồng mua bán điện sinh hoạt khi bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 01/01/2023 như sau:
* Ký kết và ngôn ngữ hợp đồng mua bán điện sinh hoạt:
– Bên mua điện là người thuê nhà để ở thực hiện theo Quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.
– Bên mua điện gồm nhiều hộ sử dụng điện chung có thể ký 01 Hợp đồng và được áp dụng giá bán điện theo Quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.
– Ngôn ngữ sử dụng trong Hợp đồng là tiếng Việt.
So với hiện hành, đã bãi bỏ quy định sau:
Tại một địa điểm đăng ký mua điện:
– Bên mua điện là một hộ gia đình sử dụng sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để đăng ký mua điện chỉ được ký 01 Hợp đồng.
– Trường hợp không sử dụng sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, Bên mua điện chỉ được sử dụng một trong các loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực để đăng ký mua điện và chỉ được ký 01 Hợp đồng.
* Chủ thể ký hợp đồng mua bán điện sinh hoạt:
Chủ thể ký Hợp đồng là người có đủ năng lực hành vi dân sự có tên trong giấy tờ sử dụng để đăng ký mua điện được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 137/2013/NĐ-CP.
* Thời hạn của Hợp đồng mua bán điện sinh hoạt:
Thời hạn của Hợp đồng do hai bên thỏa thuận. Trường hợp hai bên không thỏa thuận cụ thể thời hạn của Hợp đồng thì thời hạn của Hợp đồng được tính từ ngày ký đến ngày các bên sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt Hợp đồng.
Hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện sinh hoạt
– Các hành vi vi phạm của bên bán điện bao gồm:
+ Trì hoãn việc cấp điện theo hợp đồng mua bán điện đã ký, trừ trường hợp công trình của khách hàng chưa đủ điều kiện vận hành;
+ Không bảo đảm chất lượng, số lượng điện năng, tính ổn định trong cấp điện theo hợp đồng đã ký, trừ trường hợp bất khả kháng;
+ Ghi sai chỉ số công tơ; tính sai tiền điện trong hóa đơn;
+ Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên mua điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
+ Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.
– Các hành vi vi phạm của bên mua điện bao gồm:
+ Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký;
+ Sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng;
+ Sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm;
+ Không thanh lý hợp đồng khi không sử dụng điện;
+ Chậm trả tiền điện theo quy định mà không có lý do chính đáng;
+ Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên bán điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
+ Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.
(Điều 13 Nghị định 137/2013/NĐ-CP)