Đội tình nguyện là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC thì Đội tình nguyện là một tổ chức tự nguyện gồm những người tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại xã, phường, thị trấn;
Được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo Điều 1 Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC thì Đội tình nguyện là tên gọi tắt của Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn.
Tiêu chuẩn đối với thành viên Đội tình nguyện
Tiêu chuẩn đối với thành viên Đội tình nguyện theo Điều 4 Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC như sau:
– Người từ đủ 18 (mười tám) tuổi trở lên, đảm bảo sức khoẻ, có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Có thời gian cư trú tại xã, phường, thị trấn từ 06 (sáu) tháng trở lên hoặc đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn cấp xã nơi Đội tình nguyện hoạt động (không bao gồm công chức).
– Tự nguyện tham gia Đội tình nguyện.
Mẫu đơn xin gia nhập Đội tình nguyện
Mẫu đơn xin gia nhập Đội tình nguyện có thể tham khảo theo mẫu sau:
Thủ tục thành lập Đội tình nguyện
Thủ tục thành lập Đội tình nguyện theo Điều 7 Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC như sau:
– Căn cứ vào tình hình, yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) lập hồ sơ đề nghị thành lập Đội tình nguyện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện.
– Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra Quyết định thành lập Đội tình nguyện.
Trường hợp không được thành lập, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phải có văn bản nêu rõ lý do gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Hồ sơ (01 bộ) đề nghị thành lập Đội tình nguyện gồm:
+ Tờ trình đề nghị thành lập Đội tình nguyện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, nội dung nêu rõ sự cần thiết của việc thành lập Đội tình nguyện, số lượng và cơ cấu thành viên của Đội tình nguyện.
+ Dự thảo Quy chế hoạt động của Đội tình nguyện.
Thủ tục giải thể Đội tình nguyện
Thủ tục giải thể Đội tình nguyện theo Điều 8 Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC như sau:
– Đội tình nguyện giải thể trong các trường hợp sau đây:
+ Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
+ Có sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc quản lý, tổ chức và hoạt động của Đội tình nguyện.
Có 2/3 (hai phần ba) số thành viên của Đội tình nguyện vi phạm pháp luật bị xử lý vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hoạt động của Đội không đúng với chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC.
– Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo có sự vi phạm pháp luật của thành viên Đội tình nguyện, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét đề nghị giải thể của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định;
Hoặc kiểm tra, đánh giá mức độ vi phạm theo quy định làm văn bản (01 bộ) trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
– Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra Quyết định giải thể Đội tình nguyện.
Thẩm quyền thành lập, giải thể Đội tình nguyện
Thẩm quyền thành lập, giải thể Đội tình nguyện theo Điều 6 Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC như sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định thành lập, giải thể Đội tình nguyện.
Chức năng, nhiệm vụ của Đội tình nguyện
Chức năng, nhiệm vụ của Đội tình nguyện theo Điều 10 Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC như sau:
– Đội tình nguyện hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn; hoạt động theo Quy chế được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
– Nhiệm vụ cụ thể của Đội tình nguyện:
+ Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng;
+ Tham gia quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma tuý cai nghiện; người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng;
+ Phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, mua bán người để báo cho các cơ quan chức năng xử lý và có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm;
+ Tham gia thực hiện các chương trình kinh tế – xã hội trên địa bàn như xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, bình đẳng giới, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, giúp đỡ người nghiện ma túy sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng;
+ Tham gia thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống tệ nạn xã hội với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội và các phong trào khác trên địa bàn.
Chính sách hỗ trợ đối với thành viên của Đội tình nguyện
Chính sách hỗ trợ đối với thành viên của Đội tình nguyện theo Điều 11 Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC như sau:
– Căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương, thành viên của Đội tình nguyện được hưởng các chính sách hỗ trợ sau:
+ Tham dự các khóa tập huấn, đào tạo bồi dưỡng kiến thức, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, phòng chống mua bán người do các cấp, các ngành tổ chức;
+ Cung cấp tài liệu và thông tin liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và phòng, chống mua bán người;
+ Tham gia các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn liên quan đến nhiệm vụ.
– Thành viên của Đội tình nguyện bị tai nạn khi làm nhiệm vụ dẫn đến thiệt hại về sức khỏe thì được hỗ trợ về chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút như sau:
+ Trường hợp thành viên của Đội tình nguyện bị tai nạn có tham gia bảo hiểm y tế được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành;
+ Trường hợp thành viên của Đội tình nguyện bị tai nạn không tham gia bảo hiểm y tế: kinh phí hỗ trợ chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi chức năng bị mất hoặc giảm sút đối với người tham gia Đội tình nguyện bị tai nạn do ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách cấp xã.
– Thành viên của Đội tình nguyện nếu bị thương hoặc hy sinh thuộc một trong những trường hợp quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì được công nhận là thương binh hoặc liệt sĩ.
– Thành viên của Đội tình nguyện tham gia hoạt động trong Đội liên tục từ 03 (ba) năm trở lên, trong đó có ít nhất 01 (một) năm được cấp giấy khen hoặc bằng khen của các ban, ngành, đoàn thể hoặc chính quyền thì:
Được ưu tiên học nghề, vay vốn sản xuất, kinh doanh từ các chương trình, đề án, dự án dạy nghề hoặc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn xã.