Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép bán lẻ rượu mới nhất 2023 và cách ghi
Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép bán lẻ rượu được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
* Hướng dẫn ghi mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép bán lẻ rượu
(1): Ghi loại giấy phép đề nghị cấp, trong trường hợp này là giấy phép bán lẻ rượu.
(2): Tên cơ quan cấp giấy phép bán lẻ rượu: Bộ Công Thương/Sở Công Thương/Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng
(3): Ghi cụ thể từng loại sản phẩm rượu được bán lẻ: Rượu vang, rượu vodka, rượu trái cây,..
(4): Ghi công suất thiết kế; đối với sản xuất rượu thủ công thì ghi sản lượng dự kiến sản xuất (lít/năm).
(5): Ghi rõ tên, địa chỉ.
(6): Tên thương nhân xin cấp giấy phép.
Thủ tục cấp Giấy phép bán lẻ rượu được thực hiện như thế nào?
Cụ thể tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP) quy định về thủ tục cấp Giấy phép bán lẻ rượu như sau:
– Thương nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân.
+ Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
+ Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.
Quyền và nghĩa vụ của thương nhân bán lẻ rượu
* Quyền và nghĩa vụ chung của thương nhân bán lẻ rượu
– Mua, bán rượu có nguồn gốc hợp pháp;
– Niêm yết bản sao hợp lệ giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp tại các địa điểm bán rượu của thương nhân và chỉ được mua, bán rượu theo nội dung ghi trong giấy phép đã được cấp, trừ trường hợp đối với thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
– Thực hiện chế độ báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP.
(Khoản 1 Điều 18 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP))
* Quyền và nghĩa vụ thương nhân bán lẻ rượu
Theo khoản 4 Điều 18 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, quyền và nghĩa vụ thương nhân bán lẻ rượu được quy định như sau:
– Mua rượu từ thương nhân sản xuất rượu trong nước, thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu theo nội dung ghi trong giấy phép;
– Bán rượu cho thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ hoặc bán trực tiếp cho người mua tại các địa điểm kinh doanh của thương nhân theo nội dung ghi trong giấy phép.
Các địa điểm không bán lẻ rượu
Tại Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, các địa điểm không được bán lẻ rượu bao gồm:
– Cơ sở y tế.
– Cơ sở giáo dục.
– Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.
– Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.
– Cơ sở bảo trợ xã hội.
– Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.
Rượu là gì?
Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.
Trong đó, cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học là ethanol đã được loại bỏ tạp chất, đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có khả năng gây nghiện và gây ngộ độc cấp tính.
(Khoản 1 và khoản 3 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019)