Mẫu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thuốc lá (Mới nhất)
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thuốc lá sẽ thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 43/2023/TT-BCT.
Lưu ý: Mẫu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thuốc lá sẽ áp dụng từ ngày 15/02/2024.
Các nguyên tắc quản lý kinh doanh thuốc lá
Việc quản lý kinh doanh thuốc là sẽ tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:
– Nhà nước thống nhất quản lý đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc lá và các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá.
– Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm thuốc lá; chế biến nguyên liệu thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá và đầu tư trồng cây thuốc lá phải có giấy phép theo quy định
– Nhà nước thực hiện kiểm soát về mức cung cấp thuốc lá ra thị trường (bao gồm sản lượng sản xuất và nhập khẩu thuốc lá); thực hiện thương mại nhà nước đối với nhập khẩu; kiểm soát việc tiêu thụ sản phẩm thuốc lá trên thị trường để giảm tác hại của thuốc lá.
– Nhà nước tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá theo hướng sắp xếp các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả thành các doanh nghiệp đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
– Máy móc, thiết bị chuyên ngành thuốc lá, nguyên liệu, giấy cuốn điếu, thuốc lá là hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương.
– Trong quá trình mua bán, chế biến nguyên liệu thuốc lá, kinh doanh sản phẩm thuốc lá, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy.
– Trong quá trình đầu tư trồng cây thuốc lá, tổ chức tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(Điều 4 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 106/2017/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP)
09 hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc lá
Các hành vi được xem là vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc lá bao gồm:
(1) Sản xuất, mua bán sản phẩm, mua bán nguyên liệu thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá không có giấy phép; đầu tư trồng cây thuốc lá không có giấy chứng nhận đủ điều kiện.
(2) Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển sản phẩm thuốc lá nhập lậu (trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tái xuất), thuốc lá giả, các sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu không được bảo hộ tại Việt Nam, không đảm bảo chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá, kém phẩm chất hoặc đã hết hạn sử dụng, ghi nhãn trên bao bì không đúng quy định, không dán tem theo quy định của pháp luật.
(3) Sử dụng, thanh, lý, nhập khẩu, xuất khẩu, tái xuất, nhượng bán máy móc, thiết bị chuyên ngành thuốc lá không theo quy định của Nghị định 67/2013/NĐ-CP và quy định của pháp luật.
(4) Sản xuất sản phẩm thuốc lá vượt sản lượng cho phép sản xuất.
(5) Không thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh đối với sản phẩm thuốc lá, phòng, chống tác hại của thuốc lá.
(6) Mua bán, chuyển nhượng tem sản phẩm thuốc lá.
(7) Mua bán, chuyển nhượng trái phép giấy cuốn điếu thuốc lá.
(8) Bán thuốc lá tại khu vực công sở, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, nhà biểu diễn văn hóa nghệ thuật, nhà thi đấu thể thao và tại các nơi công cộng khác theo quy định của pháp luật.
(9) Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
(Điều 42 Nghị định 67/2013/NĐ-CP)