Quy định về tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán
Tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán theo Điều 22 Luật Kế toán 2015 quy định như sau:
– Tài khoản kế toán dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế, tài chính theo nội dung kinh tế.
– Hệ thống tài khoản kế toán gồm các tài khoản kế toán cần sử dụng. Mỗi đơn vị kế toán chỉ được sử dụng một hệ thống tài khoản kế toán cho mục đích kế toán tài chính theo quy định của Bộ Tài chính.
– Bộ Tài chính quy định chi tiết về tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán sau đây:
+ Đơn vị kế toán có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước;
+ Đơn vị kế toán sử dụng ngân sách nhà nước;
+ Đơn vị kế toán không sử dụng ngân sách nhà nước;
+ Đơn vị kế toán là doanh nghiệp;
+ Đơn vị kế toán khác.
Lựa chọn áp dụng hệ thống tài khoản kế toán
Lựa chọn áp dụng hệ thống tài khoản kế toán theo Điều 23 Luật Kế toán 2015 như sau:
– Đơn vị kế toán phải căn cứ vào hệ thống tài khoản kế toán do Bộ Tài chính quy định để chọn hệ thống tài khoản kế toán áp dụng ở đơn vị mình.
– Đơn vị kế toán được chi tiết các tài khoản kế toán đã chọn để phục vụ yêu cầu quản lý của đơn vị.
Danh mục hệ thống tài khoản kế toán của đơn vị hành chính, sự nghiệp
Danh mục hệ thống tài khoản kế toán của đơn vị hành chính, sự nghiệp theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 107/2017/TT-BTC:
Phân loại hệ thống tài khoản kế toán của đơn vị hành chính, sự nghiệp
Phân loại hệ thống tài khoản kế toán của đơn vị hành chính, sự nghiệp theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 107/2017/TT-BTC như sau:
– Các loại tài khoản trong bảng gồm tài khoản từ loại 1 đến loại 9, được hạch toán kép (hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản).
Tài khoản trong bảng dùng để kế toán tình hình tài chính (gọi tắt là kế toán tài chính), áp dụng cho tất cả các đơn vị, phản ánh tình hình tài sản, công nợ, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, thặng dư (thâm hụt) của đơn vị trong kỳ kế toán.
– Loại tài khoản ngoài bảng gồm tài khoản loại 0, được hạch toán đơn (không hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản).
Các tài khoản ngoài bảng liên quan đến ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc ngân sách nhà nước (TK 004, 006, 008, 009, 012, 013, 014, 018) phải được phản ánh theo mục lục ngân sách nhà nước, theo niên độ (năm trước, năm nay, năm sau (nếu có)) và theo các yêu cầu quản lý khác của ngân sách nhà nước.
– Trường hợp một nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh liên quan đến tiếp nhận, sử dụng: nguồn ngân sách nhà nước cấp; nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài;
Nguồn phí được khấu trừ, để lại thì kế toán vừa phải hạch toán kế toán theo các tài khoản trong bảng, đồng thời hạch toán các tài khoản ngoài bảng, chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước và niên độ phù hợp.
Lựa chọn áp dụng hệ thống tài khoản kế toán của đơn vị hành chính, sự nghiệp
Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 107/2017/TT-BTC quy định về lựa chọn áp dụng hệ thống tài khoản kế toán của đơn vị hành chính, sự nghiệp như sau:
– Các đơn vị hành chính, sự nghiệp căn cứ vào Hệ thống tài khoản kế toán ban hành tại Thông tư 107/2017/TT-BTC để lựa chọn tài khoản kế toán áp dụng cho đơn vị.
– Đơn vị được bổ sung tài khoản kế toán trong các trường hợp sau:
+ Được bổ sung tài khoản chi tiết cho các tài khoản đã được quy định trong danh mục hệ thống tài khoản kế toán (Phụ lục số 02) kèm theo Thông tư 107/2017/TT-BTC để phục vụ yêu cầu quản lý của đơn vị.
+ Trường hợp bổ sung tài khoản ngang cấp với các tài khoản đã được quy định trong danh mục hệ thống tài khoản kế toán (Phụ lục số 02) kèm theo Thông tư 107/2017/TT-BTC thì phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.