Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư là dự án gì?
Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership – sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.
Trong đó, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là dự án PPP) là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động sau đây:
– Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;
– Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có;
– Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.
(Khoản 9, 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020)
Tổng hợp mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Theo Điều 4 Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT, các mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ bao gồm các mẫu như sau:
(1) Mẫu số 11: Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn thực hiện đầu tư (6 tháng, cả năm);
(2) Mẫu số 12: Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn khai thác, vận hành (6 tháng, cả năm).
(3) Mẫu Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án đầu tư thực hiện theo Mẫu số 05 quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT;
(4) Mẫu Báo cáo đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động thực hiện theo các mẫu tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT.
TẢI FILE “Tổng hợp mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư” tại đây.
Quy trình dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Dự án PPP)
Cụ thể quy trình dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Dự án PPP) được quy định như sau:
(1) Trừ trường hợp quy định tại (2), quy trình dự án PPP được quy định như sau:
– Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án;
– Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;
– Lựa chọn nhà đầu tư;
– Thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng dự án PPP;
– Triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP.
(2) Đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, quy trình dự án PPP được quy định như sau:
– Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án;
– Lựa chọn nhà đầu tư;
– Nhà đầu tư được lựa chọn lập báo cáo nghiên cứu khả thi;
– Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;
– Thực hiện các bước quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020
(3) Trường hợp dự án PPP có công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc, việc tổ chức thi tuyển được xem xét, phê duyệt trong quyết định chủ trương đầu tư quy định tại (1) hoặc (2). Việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc.
(4) Dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được xem xét chuyển đổi thành dự án PPP thì thực hiện theo quy trình quy định tại (1) hoặc (2).
(Điều 11 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020)