Tổng hợp 11 Phụ lục liên quan đến đấu thầu qua mạng theo Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT
Ngày 15/02/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Trong đó đã đưa ra 11 Phụ lục liên quan đến hồ sơ đấu thầu qua mạng như sau:
(1) Phụ lục 1A: Mẫu Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả đánh giá E-HSĐXKT (đối với gói thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ);
(2) Phụ lục 1B: Mẫu Quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật (đối với gói thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ);
(3) Phụ lục 2A: Mẫu Kết quả đối chiếu tài liệu (đối với tất cả các gói thầu);
(4) Phụ lục 2B: Mẫu Biên bản thương thảo hợp đồng (đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, phi tư vấn áp dụng thương thảo hợp đồng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật Đấu thầu 2023);
(5) Phụ lục 2C: Mẫu Biên bản thương thảo hợp đồng (đối với gói thầu dịch vụ tư vấn);
(6) Phụ lục 3 : Mẫu Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
(7) Phụ lục 4: Mẫu Bản cam kết;
(8) Phụ lục 5: Phiếu đăng ký thông tin văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu;
(9) Phụ lục 6: Phiếu thông báo thông tin về nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam;
(10) Phụ lục 7: Phiếu thông báo thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu;
(11) Phụ lục 8: Một số hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu 2023.
Quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng
Đấu thầu qua mạng là việc thực hiện hoạt động đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Cụ thể tại Điều 50 Luật Đấu thầu 2023 quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng
(1) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước phải thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo lộ trình sau đây:
– Từ ngày Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024, việc đấu thầu qua mạng hoặc không qua mạng thực hiện theo quy định của Chính phủ;
– Từ ngày 01/01/2025, áp dụng đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu, trừ trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại (5)
(2) Các nội dung lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm:
– Đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
– Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
– Lập, nộp hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;
– Mở thầu;
– Đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, mời thương thảo hợp đồng, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
– Thỏa thuận liên danh, bảo lãnh dự thầu điện tử, bảo lãnh thực hiện hợp đồng điện tử;
– Làm rõ các nội dung trong đấu thầu;
– Gửi và nhận đơn kiến nghị;
– Hợp đồng điện tử;
– Thanh toán điện tử.
(3) Văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có giá trị theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, làm cơ sở đối chiếu, so sánh, xác thực thông tin phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân.
(4)Chi phí trong đấu thầu qua mạng bao gồm: chi phí tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Đấu thầu 2023, tham dự thầu, ký kết hợp đồng và các chi phí khác khi đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
(5) Chính phủ quy định việc kết nối, chia sẻ thông tin theo quy định tại khoản 6 Điều 51 của Luật Đấu thầu 2023; kỹ thuật đấu thầu qua mạng phù hợp với tính năng và sự phát triển của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; quy trình, thủ tục, chi phí đấu thầu qua mạng; lộ trình lựa chọn nhà đầu tư qua mạng; những trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.