Mẫu tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp mới nhất
Các mẫu tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp được ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC, bao gồm:
– Mẫu 01/SDDNN: Tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp (áp dụng đối với tổ chức có đất chịu thuế)
– Mẫu 02/SDDNN: Tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp (áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân có đất chịu thuế)
– Mẫu 03/SDDNN: Tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp (áp dụng đối với đất trồng cây lâu năm thu hoạch một lần)
Ai phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp?
Đối tượng nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Điều 1 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993, Điều 1 Nghị định 74-CP, bao gồm:
– Tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đều phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm:
+ Các hộ gia đình nông dân, hộ tư nhân và cá nhân;
+ Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất dành cho nhu cầu công ích của xã;
+ Các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản bao gồm nông trường, lâm trường, xí nghiệp, trạm trại và các doanh nghiệp khác, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức xã hội và các đơn vị khác sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
– Hộ được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không sử dụng vẫn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Đất chịu thuế, đất không chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp
3.1. Đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp
Đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm:
– Đất trồng trọt là đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cỏ.
– Đất trồng cây hàng năm là đất trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng (từ khi trồng đến khi thu hoạch) không quá 365 ngày như lúa, ngô, rau, lạc… hoặc cây trồng một lần cho thu hoạch một vài năm nhưng không trải qua thời kỳ xây dựng cơ bản như mía, chuối, cói, gai, sả, dứa (thơm)..
– Đất trồng cây lâu năm là đất trồng các loại cây có chu kỳ sinh trưởng trên 365 ngày, trồng một lần nhưng cho thu hoạch trong nhiều năm và phải trải qua một thời kỳ xây dựng cơ bản mới cho thu hoạch như cao su, chè, cà phê, cam, quýt, nhãn, cọ, dừa…
– Đất trồng cỏ là đất đã có chủ sử dụng vào việc trồng cỏ để chăn nuôi gia súc.
– Đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là đất đã có chủ sử dụng chuyên nuôi trồng thuỷ sản hoặc vừa nuôi trồng thuỷ sản vừa trồng trọt, nhưng về cơ bản không sử dụng vào các mục đích khác.
– Đất trồng là đất đã được trồng rừng và đã giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc và khai thác, không bao gồm đất đồi núi trọc.
Trong trường hợp không sử dụng đất thuộc diện chịu thuế theo quy định tại điều này chủ sử dụng đất vẫn phải nộp thuế theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993.
3.2. Đất không chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp
Những loại đất không chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp bao gồm:
– Đất rừng tự nhiên;
– Đất đồng cỏ tự nhiên chưa giao cho tổ chức, cá nhân nào sử dụng;
– Đất để ở, đất xây dựng công trình thuộc diện chịu thuế nhà đất;
– Đất làm giao thông, thuỷ lợi dùng chung cho cánh đồng;
– Đất chuyên dùng theo quy định tại Điều 62 của Luật đất đai là đất được xác định sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và làm nhà ở;
– Đất do Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định tại Điều 29 của Luật đất đai.
(Điều 2, 3, 4 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993; Điều 2, 3, 4 Nghị định 74-CP)