Mẫu sổ nhật ký tập sự hành nghề luật sư
Mẫu sổ nhật ký tập sự hành nghề luật sư là mẫu số TP-LS-05 được ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BTP.
Nhật ký tập sự hành nghề luật sư
Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 10/2021/TT-BTP, người tập sự lập Sổ nhật ký tập sự hành nghề luật sư theo mẫu tại mục 1 để ghi chép các công việc thuộc nội dung tập sự mà mình thực hiện trong thời gian tập sự.
Sổ nhật ký tập sự có xác nhận của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự khi kết thúc quá trình tập sự.
Điều kiện đăng ký tập sự hành nghề luật sư
Người đáp ứng các điều kiện sau đây thì được đăng ký tập sự hành nghề luật sư:
– Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;
– Có Bằng cử nhân luật hoặc Bằng thạc sỹ luật;
– Có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam hoặc Quyết định công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài hoặc giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư nhưng thuộc trường hợp phải tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Luật sư.
Người đang tập sự hành nghề luật sư mà bị phát hiện không đáp ứng điều kiện trên thì phải chấm dứt tập sự và không được công nhận thời gian đã tập sự.
Người đã hoàn thành thời gian tập sự mà bị phát hiện không đáp ứng điều kiện trên thì không được công nhận thời gian đã tập sự.
(Điều 3 Thông tư 10/2021/TT-BTP)
Hồ sơ đăng ký tập sự hành nghề luật sư
Hồ sơ đăng ký tập sự hành nghề luật sư bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký tập sự hành nghề luật sư theo mẫu;
– Giấy xác nhận về việc nhận tập sự hành nghề luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự;
– Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;
– Bản sao Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam hoặc bản sao Quyết định công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài hoặc bản sao giấy tờ chứng minh được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật Luật sư.
Nội dung tập sự hành nghề luật sư
Nội dung tập sự hành nghề luật sư bao gồm:
– Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
– Kỹ năng nghiên cứu, thu thập tài liệu và đề xuất hướng giải quyết hồ sơ vụ việc.
– Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
– Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.
– Kỹ năng tư vấn pháp luật.
– Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.
– Kỹ năng thực hiện dịch vụ pháp lý khác.
(Điều 6 Thông tư 10/2021/TT-BTP)