Mẫu học bạ tiểu học mới nhất
Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp là hồ sơ đánh giá từng năm học của mỗi học sinh tiểu học.
Học bạ được nhà trường lưu trữ trong suốt thời gian học sinh học tại trường, được giao cho học sinh khi hoàn thành chương trình tiểu học hoặc chuyển trường.
Hiện nay, mẫu học bạ tiểu học mới nhất được ban hành tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT.
Hướng dẫn ghi học bạ tiểu học theo Thông tư 27
Học bạ dùng để ghi kết quả tổng hợp đánh giá cuối năm học của học sinh. Khi ghi Học bạ, giáo viên cần nghiên cứu kỹ Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT.
(1) Trang 3, thông tin ghi theo giấy khai sinh của học sinh.
(2) Mục “1. Các môn học và hoạt động giáo dục”
– Trong cột “Mức đạt được”: Ghi ký hiệu T nếu học sinh đạt mức “Hoàn thành tốt”; H nếu học sinh đạt mức “Hoàn thành” hoặc C nếu học sinh ở mức “Chưa hoàn thành”.
– Trong cột “Điểm KTĐK” đối với các môn học có Bài kiểm tra định kỳ: ghi điểm số của bài kiểm tra cuối năm học; đối với học sinh được kiểm tra lại, ghi điểm số của bài kiểm tra lần cuối.
– Trong cột “Nhận xét”: Ghi những điểm nổi bật về sự tiến bộ, năng khiếu, hứng thú học tập đối với các môn học, hoạt động giáo dục của học sinh; nội dung, kỹ năng chưa hoàn thành trong từng môn học, hoạt động giáo dục cần được khắc phục, giúp đỡ (nếu có).
(3) Mục “2. Những phẩm chất chủ yếu” và mục “3. Những năng lực cốt lõi”
– Trong cột “Mức đạt được” tương ứng với từng nội dung đánh giá về phẩm chất, năng lực: ghi ký hiệu T nếu học sinh đạt mức “Tốt”, Đ nếu học sinh đạt mức “Đạt” hoặc C nếu học sinh ở mức “Cần cố gắng”.
– Trong cột “Nhận xét” tương ứng với nội dung đánh giá về phẩm chất: ghi các biểu hiện, sự tiến bộ, ưu điểm, hạn chế hoặc khuyến nghị (nếu có) về sự hình thành và phát triển một số phẩm chất chủ yếu của học sinh.
Ví dụ: Đi học đầy đủ, đúng giờ; mạnh dạn trình bày ý kiến cá nhân; biết giữ lời hứa; tôn trọng và biết giúp đỡ mọi người;…
– Trong cột “Nhận xét” tương ứng với nội dung đánh giá về năng lực: ghi các biểu hiện, sự tiến bộ, ưu điểm, hạn chế hoặc khuyến nghị (nếu có) về sự hình thành và phát triển một số năng lực chung, năng lực đặc thù của học sinh.
Ví dụ: Biết vệ sinh thân thể, ăn mặc gọn gàng; chủ động, phối hợp trong học tập; có khả năng tự học; …; sử dụng ngôn ngữ lưu loát trong cuộc sống và học tập, biết tư duy, lập luận và giải quyết được một số vấn đề toán học quen thuộc;…
(4) Mục “4. Đánh giá kết quả giáo dục”
Ghi một trong bốn mức: “Hoàn thành xuất sắc”; “Hoàn thành tốt”; “Hoàn thành” hoặc “Chưa hoàn thành”.
(5) Mục “5. Khen thưởng”
Ghi những thành tích mà học sinh được khen thưởng trong năm học.
Ví dụ: Đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc; Đạt danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện; Đạt giải Nhì hội giao lưu An toàn giao thông cấp huyện;…
(6) Mục “6. Hoàn thành chương trình lớp học/chương trình tiểu học”
Ghi Hoàn thành chương trình lớp ……../chương trình tiểu học hoặc Chưa hoàn thành chương trình lớp ……./chương trình tiểu học; Được lên lớp hoặc Chưa được lên lớp.
Ví dụ:
– Hoàn thành chương trình lớp 2; Được lên lớp 3.
– Hoàn thành chương trình tiểu học.
Học bạ được nhà trường bảo quản và trả lại cho học sinh khi học sinh chuyển trường học xong chương trình tiểu học.
Học bạ điện tử
Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm hướng dẫn sử dụng hồ sơ đánh giá, Học bạ của học sinh trong trường hợp triển khai hồ sơ đánh giá, Học bạ điện tử.
Đánh giá học sinh tiểu học là quá trình thu thập, xử lý thông tin thông qua các hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; diễn giải thông tin định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực của học sinh tiểu học.