Mẫu hồ sơ yêu cầu gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng chỉ định thầu thông thường
Từ ngày 15/6/2024, mẫu hồ sơ yêu cầu gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng chỉ định thầu thông thường theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP sẽ thực hiện theo Mẫu số 1B ban hành kèm theo Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT.
Mẫu hồ sơ yêu cầu gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng chỉ định thầu thông thường sẽ có các phần như sau:
– Phần 1: Thủ tục chỉ định thầu bao gồm:
+ Chỉ dẫn nhà thầu
+ Tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ đề xuất
+ Biểu mẫu gồm: Đơn đề xuất chỉ định thầu, Giấy ủy quyền, Thỏa thuận liên danh, Bảng tổng hợp giá dự thầu, Bản kê khai thông tin về nhà thầu, Hợp đồng tương tự do nhà thầu thực hiện, Kê khai năng lực sản xuất hàng hóa, Bảng đề xuất nhân sự chủ chốt, Hợp đồng cung cấp hàng hóa, EPC, EC, PC, chìa khóa trao tay không hoàn thành do lỗi của nhà thầu trong quá khứ, Tình hình tài chính của nhà thầu, Danh sách các công ty đảm nhận phần công việc của gói thầu, Phạm vi công việc sử dụng nhà thầu phụ.
– Phần 2: Yêu cầu về kỹ thuật
– Phần 3: Điều kiện hợp đồng và biểu mẫu hợp đồng
Được biết, gói thầu mua sắm hàng hóa là một trong những gói thầu được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2023.
Để có thể áp dụng chỉ định thầu, gói thầu mua sắm hàng hóa phải đảm bảo các điều kiện như sau:
– Có quyết định đầu tư được phê duyệt đối với dự án, trừ gói thầu tư vấn phục vụ công tác chuẩn bị dự án;
– Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
– Đã được bố trí vốn để thực hiện gói thầu;
– Có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay.
Lưu ý:
– Đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật.
– Việc chỉ định thầu phải được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày.
-. Trường hợp gói thầu đáp ứng điều kiện chỉ định thầu nhưng vẫn có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại các điều 21, 22, 24 và 25 Luật Đấu thầu 2023 thì khuyến khích người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức khác để lựa chọn nhà thầu.
(Khoản 1, khoản 2 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023)
Kể từ ngày Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành, các Thông tư sau hết hiệu lực thi hành:
– Thông tư 10/2016/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu;
– Thông tư 19/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập báo cáo thẩm định trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu;
– Thông tư 23/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu;
– Thông tư 06/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp thông tin về đấu thầu, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
Bãi bỏ quy định tại Điều 10 Thông tư 09/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều khoản của các Thông tư liên quan đến chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước và hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.