Quy định chung về Giấy vận tải (Giấy vận chuyển)
Theo Điều 47 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) được quy định như sau:
– Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) do đơn vị kinh doanh vận tải phát hành và phải đảm bảo theo quy định tại khoản 11 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
– Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) do đơn vị vận tải đóng dấu và cấp cho người lái xe mang theo trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường; trường hợp là hộ kinh doanh thì chủ hộ phải ký, ghi rõ họ tên vào Giấy vận tải (Giấy vận chuyển).
– Sau khi xếp hàng lên phương tiện và trước khi thực hiện vận chuyển thì chủ hàng (hoặc người được chủ hàng ủy quyền), hoặc đại diện đơn vị hoặc cá nhân (nếu là cá nhân) thực hiện xếp hàng lên xe phải ký xác nhận việc xếp hàng đúng quy định vào Giấy vận tải (Giấy vận chuyển).
Các thông tin tối thiểu phải có trên Giấy vận tải
Khoản 11 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc điện tử do đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa tự phát hành và có các thông tin tối thiểu gồm:
– Tên đơn vị vận tải;
– Biển kiểm soát xe;
– Tên đơn vị hoặc người thuê vận tải;
– Hành trình (điểm đầu, điểm cuối);
– Số hợp đồng, ngày tháng năm ký hợp đồng (nếu có);
– Loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe.
Từ ngày 01/7/2022, trước khi thực hiện vận chuyển, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.
Mẫu Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) hiện nay
Mẫu Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) hiện nay được quy định tại Phụ lục 28 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT. Mặc dù Thông tư 63/2014/TT-BGTVT đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, tuy nhiên chỉ có Thông tư 63/2014/TT-BGTVT là có quy định về mẫu Giấy vận tải (Giấy vận chuyển).
Mẫu Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) Thông tư 63/2014/TT-BGTVT chỉ mang tính chất tham khảo, tùy theo yêu cầu quản lý, Đơn vị vận tải có thể bổ sung các thông tin khác ngoài các thông tin đã có sẵn. Đồng thời, phải đảm bảo các thông tin nêu tại mục 2 nêu trên.
Lưu ý:
– Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô phải cấp cho lái xe Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường.
Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) phải có xác nhận (ký, ghi rõ họ và tên) khối lượng hàng hóa đã xếp lên phương tiện của chủ hàng (hoặc người được chủ hàng ủy quyền) hoặc đại diện đơn vị, cá nhân thực hiện việc xếp hàng.
– Khi vận chuyển hàng hóa, lái xe phải mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc phải có thiết bị để truy cập vào phần mềm thể hiện nội dung của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật.
Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được chở hàng vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông.
(Căn cứ khoản 8, 9 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
Mức xử phạt hành vi không có Giấy vận tải (Giấy vận chuyển)
– Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 24 Nghị định100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi:
Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không có hoặc không mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy theo quy định hoặc không có thiết bị để truy cập vào được phần mềm thể hiện nội dung của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) theo quy định hoặc có thiết bị để truy cập nhưng không cung cấp cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu.
– Điểm b khoản 1 Điều 28 Nghị định100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi xếp hàng hóa lên xe ô tô mà không ký xác nhận việc xếp hàng hóa vào Giấy vận tải theo quy định.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 28 Nghị định100/2019/NĐ-CP nếu không thực hiện cấp Lệnh vận chuyển, Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) cho lái xe theo quy định.