Quy định chung về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng
Quy định chung về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng theo Điều 148 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và Luật Kiến trúc 2019) như sau:
– Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.
– Nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động.
– Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Xây dựng 2014 bao gồm giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát thi công xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II và hạng III.
– Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ năng lực theo quy định của Luật này bao gồm tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng; khảo sát xây dựng; lập thiết kế quy hoạch xây dựng; thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; thi công xây dựng công trình; tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình. Chứng chỉ năng lực của tổ chức được phân thành hạng I, hạng II và hạng III.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng I; Sở Xây dựng, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ cấp chứng chỉ năng lực các hạng còn lại.
– Tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc.
– Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; quy định về chương trình, nội dung, hình thức tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề; quy định về cấp, cấp lại, chuyển đổi, thu hồi chứng chỉ hành nghề; quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng đối với nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng mới nhất
Mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo Mẫu số 04 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:
Quy định về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
Quy định về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo Điều 149 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi tại Luật Kiến trúc 2019) như sau:
– Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là văn bản xác nhận năng lực hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 148 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020) có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về lĩnh vực hành nghề.
– Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
+ Có thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
+ Đã qua sát hạch kiểm tra kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.
– Thẩm quyền sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được quy định như sau:
+ Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng có thẩm quyền sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng I;
+ Sở Xây dựng, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ có thẩm quyền sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng các hạng còn lại.
– Chứng chỉ hành nghề kiến trúc thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc.