Mẫu bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư
Mẫu bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 23/2024/NĐ-CP.
Quy định giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
– Việc giám sát hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 86 Luật Đấu thầu 2023 được thực hiện lồng ghép với hoạt động giám sát dự án đầu tư hoặc giám sát tổng thể đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cơ quan đăng ký về đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
– Thẩm quyền giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế chủ trì, tổ chức giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án do mình là người có thẩm quyền hoặc thuộc lĩnh vực quản lý;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, tổ chức giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án do mình là người có thẩm quyền trên địa bàn quản lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại địa phương mình.
– Nội dung giám sát lựa chọn nhà đầu tư:
+ Công bố dự án đầu tư kinh doanh (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư); lập, phê duyệt, công bố thông tin dự án đầu tư kinh doanh (đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư);
+ Lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu;
+ Đánh giá hồ sơ dự thầu;
+ Thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
+ Kết quả đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
– Hết thời hạn hợp đồng, cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư giám sát dự án đầu tư hoặc giám sát tổng thể đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bảo đảm nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các cam kết trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.
(Điều 59 Nghị định 23/2024/NĐ-CP)
Các phương thức lựa chọn nhà đầu tư
Các phương thức lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Điều 35 Luật Đấu thầu 2023 bao gồm:
– Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ:
+ Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế lựa chọn nhà đầu tư;
+ Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
+ Việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu.
– Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ:
+ Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu công trình kiến trúc có giá trị theo quy định của pháp luật về kiến trúc;
+ Nhà đầu tư nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
+ Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.
– Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ:
Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu đặc thù phát triển kinh tế, xã hội của ngành, vùng, địa phương nhưng chưa xác định được cụ thể tiêu chuẩn về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường.