Mẫu văn bản thoả thuận làm thêm giờ mới nhất
NLĐ đồng ý làm thêm giờ cho NSDLĐ được ký thành văn bản riêng thì có thể tham khảo Mẫu văn bản thoả thuận làm thêm giờ quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020.
Khi tổ chức làm thêm giờ, NSDLĐ phải được sự đồng ý của NLĐ tham gia làm thêm về các nội dung sau đây:
– Thời gian làm thêm;
– Địa điểm làm thêm;
– Công việc làm thêm.
Trường hợp sự đồng ý của NLĐ được ký thành văn bản riêng thì có thể tham khảo sử dụng Mẫu số 01/PLIV.
Lưu ý khi dùng Mẫu 01/PLIV:
– Trường hợp đã sử dụng bảng chấm công và công việc, giờ làm việc không thay đổi trong nhiều ngày, nhiều tháng đã ghi trong bảng chấm công thì không bắt buộc có các cột này trong bản thỏa thuận.
– Có thể ghi thỏa thuận riêng theo từng ngày hoặc theo tuần, theo tháng hoặc thỏa thuận kết hợp nhiều nội dung về thời giờ làm thêm.
Mẫu Thông báo làm thêm giờ dùng cho NSDLĐ
Khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại các nơi sau:
– Nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm;
– Nơi đặt trụ sở chính, nếu trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Việc thông báo phải được thực hiện chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm và dùng Mẫu thông báo 02/PLIV.
Giới hạn số giờ làm thêm
1. Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3.
2. Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
3. Trường hợp làm việc không trọn thời gian quy định tại Điều 32 của Bộ luật Lao động thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
4. Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
5. Thời giờ quy định tại các khoản 1 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP được giảm trừ khi tính tổng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm để xác định việc tuân thủ quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động.
Các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm
Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động, các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm:
– Các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn phát sinh từ các yếu tố khách quan liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.
– Cung ứng dịch vụ công; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; dịch vụ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.
– Công việc trực tiếp sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp thực hiện thời giờ làm việc bình thường không quá 44 giờ trong một tuần.
Căn cứ pháp lý:
– Điều 59, Điều 62 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
– Khoản 4 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.