Căn cứ và cách ghi sổ chi tiết cổ phiếu quỹ theo Thông tư 200
– Mục đích sổ chi tiết cổ phiếu quỹ theo Thông tư 200:
Sổ này dùng để theo dõi chi tiết số cổ phiếu doanh nghiệp mua lại của chính doanh nghiệp đã phát hành ra công chúng theo từng loại cổ phiếu.
– Cách ghi sổ chi tiết cổ phiếu quỹ theo Thông tư 200:
Căn cứ ghi sổ là các chứng từ về thanh toán mua, bán cổ phiếu. Mỗi loại cổ phiếu mua lại (Cổ phiếu quỹ) được theo dõi riêng một quyển sổ hoặc một số trang sổ.
Cột A: Ghi ngày, tháng ghi sổ.
Cột B, C: Ghi số hiệu, ngày, tháng của chứng từ mua, bán hoặc sử dụng cổ phiếu mua lại.
Cột D: Ghi tóm tắt nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh phù hợp với chứng từ dùng để ghi sổ.
Cột E: Ghi số hiệu tài khoản đối ứng.
Cột 1: Ghi giá thực tế mua, giá thực tế tái phát hành.
Cột 2: Ghi số lượng cổ phiếu mua lại.
Cột 3: Ghi giá trị của cổ phiếu mua lại theo mệnh giá.
Cột 4: Ghi giá trị cổ phiếu mua lại theo giá mua thực tế trên thị trường.
Cột 5: Ghi số lượng cổ phiếu bán lại ra công chúng, hoặc sử dụng, huỷ bỏ theo quyết định của Hội đồng quản trị.
Cột 6: Ghi giá trị của cổ phiếu mua lại được tái phát hành hoặc sử dụng, huỷ bỏ theo mệnh giá.
Cột 7: Ghi giá trị của cổ phiếu mua lại được tái phát hành hoặc sử dụng huỷ bỏ theo giá thực tế trên thị trường.
Cột 8: Ghi số lượng cổ phiếu mua lại doanh nghiệp đang nắm giữ cuối kỳ.
Cột 9: Ghi giá trị cổ phiếu mua lại doanh nghiệp đang nắm giữ cuối kỳ theo mệnh giá.
Cột 10: Ghi giá trị của cổ phiếu mua lại doanh nghiệp đang nắm giữ cuối kỳ theo giá mua thực tế.
Cuối tháng, cuối kỳ cộng sổ để tính ra số cổ phiếu hiện đang mua lại cuối kỳ.
Quy định về sổ kế toán theo Luật Kế toán 2015
– Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán.
– Sổ kế toán phải ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ; ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; số trang; đóng dấu giáp lai.
– Sổ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Ngày, tháng, năm ghi sổ;
+ Số hiệu và ngày, tháng, năm của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ;
+ Tóm tắt nội dung của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
+ Số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh ghi vào các tài khoản kế toán;
+ Số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.
– Sổ kế toán gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.
(Điều 24 Luật Kế toán 2015)