Tổng hợp mẫu sổ kế toán chi tiết trong đơn vị hành chính sự nghiệp mới nhất
Mẫu sổ kế toán chi tiết trong đơn vị hành chính sự nghiệp mới nhất được quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 107/2017/TT-BTC bao gồm:
Sổ quỹ tiền mặt (Sổ kế toán chi tiết quỹ tiền mặt)
Sổ tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc
Sổ theo dõi tiền mặt, tiền gửi bằng ngoại tệ
Sổ kho (hoặc Thẻ kho)
Sổ chi tiết nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa
Bảng tổng hợp chi tiết nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa
Sổ tài sản cố định
Thẻ TSCĐ
Sổ theo dõi TSCĐ và công cụ, dụng cụ tại nơi sử dụng
Sổ chi tiết các tài khoản
Sổ theo dõi chi phí trả trước
Sổ chi tiết các khoản phải thu, phải trả nội bộ
Sổ chi tiết thanh toán với khách hàng
Sổ theo dõi chi tiết nguồn vốn kinh doanh
Sổ chi tiết đầu tư tài chính
Sổ chi tiết doanh thu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Sổ chi tiết các khoản tạm thu
Sổ theo dõi thuế GTGT
Sổ chi tiết thuế GTGT được hoàn lại
Sổ chi tiết thuế GTGT được miễn giảm
Sổ chi tiết chi phí
Sổ chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Quy định về mở sổ kế toán trong đơn vị hành chính sự nghiệp
* Nguyên tắc mở sổ kế toán:
Sổ kế toán phải được mở vào đầu kỳ kế toán năm hoặc ngay sau khi có quyết định thành lập và bắt đầu hoạt động của đơn vị kế toán. Sổ kế toán được mở đầu năm tài chính, ngân sách mới để chuyển số dư từ sổ kế toán năm cũ chuyển sang và ghi ngay nghiệp vụ kinh tế, tài chính mới phát sinh thuộc năm mới từ ngày 01/01 của năm tài chính, ngân sách mới.
Số liệu trên các sổ kế toán theo dõi tiếp nhận và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước sau ngày 31/12 được chuyển từ tài khoản năm nay sang tài khoản năm trước để tiếp tục theo dõi số liệu phát sinh trong thời gian chỉnh lý quyết toán, phục vụ lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định.
Đơn vị được mở thêm các sổ kế toán chi tiết theo yêu cầu quản lý của đơn vị.
* Trường hợp mở sổ kế toán bằng tay (thủ công):
Đơn vị kế toán phải hoàn thiện thủ tục pháp lý của sổ kế toán như sau:
– Đối với sổ kế toán đóng thành quyển:
+ Ngoài bìa (góc trên bên trái) phải ghi tên đơn vị kế toán, giữa bìa ghi tên sổ, ngày, tháng năm lập sổ, ngày, tháng, năm khóa sổ, họ tên và chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán và thủ trưởng đơn vị ký tên, đóng dấu; ngày, tháng, năm kết thúc ghi sổ hoặc ngày chuyển giao sổ cho người khác.
+ Các trang sổ kế toán phải đánh số trang từ trang một (01) đến hết trang số cuối cùng, giữa hai trang sổ phải đóng dấu giáp lai của đơn vị kế toán.
+ Sổ kế toán sau khi làm đầy đủ các thủ tục trên mới được coi là hợp pháp.
– Đối với sổ tờ rời:
+ Đầu mỗi sổ tờ rời phải ghi rõ tên đơn vị, số thứ tự của từng tờ sổ, tên sổ, tháng sử dụng, họ tên của người giữ sổ và ghi sổ kế toán.
+ Các sổ tờ rời trước khi sử dụng phải được Thủ trưởng đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và ghi vào sổ đăng ký sử dụng thẻ tờ rời.
+ Các sổ tờ rời phải sắp xếp theo thứ tự các tài khoản kế toán và phải đảm bảo an toàn và dễ tìm.
* Trường hợp lập sổ kế toán trên phương tiện điện tử:
Phải đảm bảo các yếu tố của sổ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán. Nếu lựa chọn lưu trữ sổ kế toán trên phương tiện điện tử thì vẫn phải in sổ kế toán tổng hợp ra giấy, đóng thành quyển và phải làm đầy đủ các thủ tục quy định nêu tại điểm b, khoản 5 Điều này.
Các sổ kế toán còn lại, nếu không in ra giấy, mà thực hiện lưu trữ trên các phương tiện điện tử thì Thủ trưởng đơn vị kế toán phải chịu trách nhiệm để bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.
(Khoản 5 Điều 5 Thông tư 107/2017/TT-BTC)
– Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng cho: Cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định hiện hành; tổ chức, đơn vị khác có hoặc không sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là đơn vị hành chính, sự nghiệp).
– Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp, nếu thực hiện đơn đặt hàng của Nhà nước hoặc có tiếp nhận viện trợ không hoàn lại của nước ngoài hoặc có nguồn phí được khấu trừ, để lại thì phải lập báo cáo quyết toán quy định tại Phụ lục 04 của Thông tư 107/2017/TT-BTC.