Mẫu tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp mới nhất năm 2023
Mẫu tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp mới nhất là mẫu số 07 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
Yêu cầu về tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp
– Người nộp đơn phải điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu vào những chỗ thích hợp trong Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
– Ngoài các mục cần khai khác, trong tờ khai phải nêu chỉ số phân loại quốc tế kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ phù hợp với Bảng phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (theo Thỏa ước Locarno về phân loại quốc tế kiểu dáng công nghiệp). Nếu người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sẽ phân loại và người nộp đơn phải nộp phí phân loại theo quy định.
– Tờ khai phải nêu lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp: là lĩnh vực sử dụng cụ thể của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp, trong đó nêu rõ mục đích sử dụng, công dụng, chức năng của sản phẩm đó.
– Tờ khai phải có tên kiểu dáng công nghiệp. Tên kiểu dáng công nghiệp là tên của chính sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện một cách ngắn gọn bằng các từ ngữ thông dụng, không mang tính chất quảng cáo, không chứa ký hiệu, chú thích, chỉ dẫn thương mại.
– Tờ khai phải kèm theo 04 bộ ảnh chụp hoặc 04 bộ bản vẽ kiểu dáng công nghiệp thể hiện đối tượng cần yêu cầu bảo hộ một cách thống nhất và chính xác được in hoặc gắn trên giấy khổ A4 không đóng khung.
Yêu cầu đối với tài liệu nộp kèm theo tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp
(i) Yêu cầu chung về hình thức của tài liệu
– Mọi tài liệu của đơn đều phải được trình bày theo chiều dọc (riêng hình vẽ, sơ đồ và bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm), riêng đối với tài liệu là bản đồ khu vực địa lý có thể được trình bày trên mặt giấy khổ A3 (420mm x 297mm), trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, theo phông chữ Times New Roman, chữ không nhỏ hơn cỡ 13, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn.
– Mỗi loại tài liệu trừ bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp, nếu bao gồm nhiều trang thì mỗi trang phải ghi số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập.
– Tài liệu phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sửa chữa; nếu tài liệu có từ 02 trang trở lên cần được đóng dấu giáp lai của người nộp đơn/cơ quan ban hành tài liệu (nếu có); trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thì người nộp đơn có thể sửa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của người nộp đơn.
– Thuật ngữ dùng trong đơn phải thống nhất và là thuật ngữ phổ thông (không dùng tiếng địa phương, từ hiếm, từ tự tạo). Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam.
– Đối với tài liệu cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó.
(ii) Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp
Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải bao gồm các nội dung sau đây:
– Liệt kê đầy đủ các đặc điểm tạo dáng cơ bản thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp, phù hợp với các đặc điểm tạo dáng được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ theo cách thức sau đây:
+ Các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ cần được liệt kê bao gồm: các đặc điểm hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc (nếu có);
+ Đối với sản phẩm có các trạng thái sử dụng khác nhau (ví dụ sản phẩm có nắp hoặc có thể gập lại được…) thì liệt kê các đặc điểm tạo dáng cơ bản của sản phẩm ở các trạng thái khác nhau;
+ Nếu kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì phải chỉ rõ các đặc điểm tạo dáng khác biệt của từng phương án biến thể so với phương án cơ bản;
+ Nếu kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì liệt kê các đặc điểm tạo dáng cơ bản của từng sản phẩm trong bộ đó.
– Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất (nếu có): nêu rõ có hay không có kiểu dáng công nghiệp tương tự, nếu có thì chỉ ra kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất với kiểu dáng công nghiệp của cùng loại sản phẩm nêu trong đơn, đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên), trong đó phải chỉ ra nguồn thông tin bộc lộ công khai kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất đó;
– Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ: liệt kê lần lượt các ảnh chụp, bản vẽ phối cảnh (ba chiều), hình chiếu, mặt cắt… của kiểu dáng công nghiệp, phù hợp với số thứ tự được ghi của ảnh chụp, bản vẽ.
(iii) Bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp
– Ảnh chụp, bản vẽ phải rõ ràng, sắc nét; kiểu dáng công nghiệp phải được thể hiện bằng đường nét liền; màu nền của ảnh chụp, bản vẽ phải đồng nhất và tương phản với màu của kiểu dáng công nghiệp; trên ảnh chụp, bản vẽ chỉ được thể hiện sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ (không kèm theo sản phẩm khác), trừ trường hợp nêu tại các điểm g và h mục này, không chứa các chỉ dẫn của bản vẽ kỹ thuật hoặc các chỉ dẫn giải thích về kiểu dáng công nghiệp, trừ những chỉ dẫn ngắn gọn, cần thiết để chỉ mặt cắt, hình phóng to, trạng thái đóng, mở.
– Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một tỷ lệ. Kích thước của kiểu dáng công nghiệp trong ảnh chụp, bản vẽ không được nhỏ hơn 90mm x 120mm và không được lớn hơn 190mm x 277mm.
– Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một chiều và được đánh số lần lượt theo thứ tự: hình phối cảnh (ba chiều) của kiểu dáng công nghiệp, hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp từ phía trước, từ phía sau, từ bên phải, từ bên trái, từ trên xuống, từ dưới lên; các hình chiếu phải được thể hiện chính diện.
– Ảnh chụp hoặc hình chiếu trùng hoặc đối xứng với ảnh chụp hoặc hình chiếu đã có, ảnh chụp hoặc hình chiếu mặt đáy của các sản phẩm có kích thước và trọng lượng lớn, ảnh chụp hoặc hình chiếu bề mặt có chiều dày quá mỏng của kiểu dáng công nghiệp không cần phải có trong đơn, với điều kiện phải nêu rõ điều đó trong phần liệt kê ảnh chụp, bản vẽ thuộc bản mô tả.
– Đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm có thể khai triển được dưới dạng mặt phẳng (ví dụ hộp đựng, đồ bao gói…), các hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp có thể được thay thế bằng ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp ở trạng thái đã khai triển.
– Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của kiểu dáng công nghiệp, có thể cần phải có thêm ảnh chụp, bản vẽ phối cảnh từ các góc độ khác, mặt cắt, hình phóng to bộ phận, hình chi tiết rời hoặc bộ phận của sản phẩm, ảnh chụp hoặc bản vẽ minh họa vị trí lắp đặt, sử dụng bộ phận trên sản phẩm hoàn chỉnh, nhằm làm rõ bản chất và các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp (mà không dùng để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận đó).
– Đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm phức hợp, các ảnh chụp hoặc bản vẽ của từng bộ phận có thể được cung cấp nhưng chỉ nhằm mục đích minh họa mà không dùng để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận đó.
– Các ảnh chụp hoặc bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp ở cùng một trạng thái sử dụng được chọn; ảnh chụp hoặc bản vẽ thể hiện các trạng thái khác có thể được cung cấp để làm rõ bản chất của kiểu dáng công nghiệp.
– Đối với đơn có nhiều phương án, phương án cơ bản phải được thể hiện đầu tiên. Mỗi phương án của kiểu dáng công nghiệp phải được thể hiện bằng bộ ảnh chụp, bản vẽ đầy đủ theo quy định tại điểm này; ảnh chụp, bản vẽ phải được đánh số sao cho thể hiện được thứ tự của phương án tương ứng và thứ tự của ảnh chụp, bản vẽ đó trong phương án đó.
– Đối với bộ sản phẩm phải có hình phối cảnh của cả bộ sản phẩm và bộ ảnh chụp, bản vẽ của từng sản phẩm trong bộ đó theo quy định tại điểm này.